Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam còn thấp, nhưng Đức luôn coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng và là bạn hàng quan trọng.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, trong hai ngày 23 và 24/1/2024, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân Elke Büdenbender sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Chuyến thăm của Tổng thống Đức và Phu nhân không chỉ giúp củng cố mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa Đức và Việt Nam, thông qua chuyến thăm, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier muốn mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa Đức và Việt Nam.
Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Đến tháng 10/2011, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, nâng tầm và làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam – Đức.
Những năm qua, trong lĩnh vực thương mại và đầu tư đã có rất nhiều doanh nghiệp Đức tận dụng tốt cơ hội và thành công tại thị trường Việt Nam. Với chính sách hợp tác rộng mở, Việt Nam luôn chào đón và tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong bối cảnh Đức đang hướng tới đa dạng hóa hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, Việt Nam sẽ là điểm đến rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư Đức cũng như châu Âu.
Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, những năm qua đã có nhiều doanh nghiệp Đức tận dụng tốt cơ hội và thành công tại thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa |
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), hiện nay Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của ta sang EU (theo số liệu của Hải quan Việt Nam). Không những vậy, Đức còn là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở trong khu vực châu Âu.
“Với sự phục hồi nhanh của kinh tế Đức, trao đổi thương mại song phương những năm gần đây tăng đều, đặc biệt sau khi Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực” – Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ thông tin và dẫn chứng, năm 2022 xuất khẩu sang Đức đạt 8,97 tỷ USD, tăng 23,1% so với năm 2021. Theo số liệu của cơ quan thống kê Đức (Destatis), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Đức từ Việt Nam đạt 15,4 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2021.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian ảnh hưởng do Covid-19, tiếp đến là các bất ổn địa chính trị như xung đột Nga – Ukaine, xung đột Israel – Hamas khiến cho Đức – quốc gia được coi là “động cơ của nền kinh tế Liên minh châu Âu – EU” đang đối mặt lạm phát tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Đức từ các nước, trong đó có Việt Nam giảm đáng kể so với năm 2022. Đây cũng là tình hình chung của cả thế giới do lạm phát tăng, nhu cầu tiêu dùng giảm.
Số liệu Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức năm 2023 đạt 11,09 tỷ USD, giảm 11,9% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 7,4 tỷ USD, giảm 17,5%; kim ngạch nhập khẩu từ Đức đạt gần 3,7 tỷ USD, tăng 2,1% so với năm 2022.
Dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho hay, hết tháng 10 năm 2023, Đức nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ Việt Nam đạt trị giá gần 12,3 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng năm 2023 đạt trên 15,5 tỷ USD, giảm 1,6% so với 10 tháng năm 2022. Các sản phẩm nhập khẩu chính của Đức từ Việt Nam là: Máy móc thiết bị; giày dép; dệt may; cà phê, trà, gia vị; trái cây và các loại hạt…
Đáng chú ý, theo xếp hạng của Cơ quan thống kê Liên bang Đức Destatis, năm 2022 Việt Nam đứng thứ 25/239 quốc gia và vùng lãnh thổ có hàng hóa được nhập khẩu vào Đức và đứng thứ hạng 49/239 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hoá từ Đức.
Đức luôn coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng và là bạn hàng quan trọng. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, chính sách của Đức đối với cộng đồng doanh nhân người Việt tại Đức tương đối thuận lợi. Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị kim ngạch ngoại thương của Đức, nhưng Đức vẫn coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng và là bạn hàng quan trọng.
Đặc biệt, để thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa hai nước cũng như nhằm gia tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Đức, những năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia thường kỳ các triển lãm, hội chợ quốc tế tại Đức như: Anuga, Fruit Logistica, Ambiente, Biofach, Tendence, Koblenz, Resale Frankfurt, Hannover Messe…
Thông qua các hội chợ, triển lãm này, các doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ bạn hàng, ký được nhiều hợp đồng với các nhà nhập khẩu Đức cũng như với các doanh nhân nước ngoài khác.
Trong năm tới, dự báo kinh tế Đức phục hồi nhẹ do lạm phát tiếp tục giảm (xuống khoảng 3,1%), thị trường lao động tăng trưởng và sức mua tăng do thu nhập thực tế dần phục hồi. Cộng thêm việc tận dụng các lợi thế về cắt giảm thuế trong EVFTA, tình hình trao đổi thương mại giữa hai nước sẽ được cải thiện.
Ngoài ra, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân Elke Büdenbender tới Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp hai nước kỳ vọng những tiềm năng, dư địa hợp tác giữa hai nước sẽ được khai thác tốt hơn nữa, giúp cho quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức sâu rộng hơn và đi vào chiều sâu, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN