Một xe sầu riêng đi từ Đắk Lắk đến Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc mất 7 ngày. Vì thế, cần gỡ nút thắt logistics để tăng giá trị xuất khẩu nông sản.
Việt Nam gần Trung Quốc nhưng phải mất 7 ngày mới xuất khẩu được xe sầu riêng
Tại hội thảo khoa học về chủ đề “Định hướng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống cung ứng dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị nông sản” diễn ra mới đây, ông Tô Mạnh Hà – Quản lý kinh doanh, Ban Quản lý Nông – lâm – thủy sản (Tập đoàn T&T) – cho biết, Việt Nam nằm sát thị trường Trung Quốc nhưng hạ tầng logistics chưa khai thác được lợi thế này. Hiện nay, một xe sầu riêng đi từ Đắk Lắk đến Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc mất 7 ngày nếu cửa khẩu thông thoáng. Nếu ùn tắc, xe phải nằm chờ, riêng tiền dầu chạy xe tốn thêm 2,5 triệu đồng/ngày.
Gỡ nút thắt logistics, tăng giá trị nông sản
Ở góc độ doanh nghiệp logistics, theo ông Lê Minh – Giám đốc Công ty cổ phần kho vận Việt Nam, logistics nông nghiệp nhiều năm nay “bị mang tiếng là giá cao”. Nhưng doanh nghiệp cũng có nỗi khổ riêng, phải đầu tư rất lớn từ xe cộ, kho bãi, thiết bị bốc xếp hàng… và chỉ mong có đủ hàng để chạy.
Nguyên nhân đến từ đặc điểm nhiều loại nông sản có thời vụ, thu hoạch rộ trong thời gian rất ngắn. Các vùng sản xuất nhỏ lẻ rất khó gom hàng tập trung và tính liên kết, phối hợp giữa các đơn vị sản xuất còn yếu, mạnh ai nấy làm.
Nhiều chuyến xe từ phía Nam ra phía Bắc chở tối đa 25 tấn nhưng thực tế có những chuyến chỉ có hơn chục tấn hàng thôi. Xe rỗng, các doanh nghiệp logistics thuyết phục khách hàng ghép chuyến để giảm chi phí nhưng họ không chịu. Chưa kể doanh nghiệp logistics thường xuyên bị lật kèo, khách ký hợp tác theo năm nhưng nếu có đơn vị khác chào giá mỗi chuyến thấp hơn vài trăm nghìn đồng là họ đơn phương phá hợp đồng.
Năm 2023, ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư 13,06 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Nông sản Việt Nam hiện có mặt ở gần 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.
Theo các chuyên gia, dù không thua kém về chất lượng nhưng chi phí logistics quá cao, phụ thuộc lớn vào các hãng vận chuyển nước ngoài khiến nông sản Việt Nam giảm sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra thế giới. Việc kéo giảm chi phí cũng như thời gian khâu logistics sẽ là động lực đưa nông sản Việt Nam vươn xa.
Về việc này, theo TS. Nguyễn Anh Phong – Phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch vụ logistics nói chung và logistics nông nghiệp còn tồn tại nhiều hạn chế. Những tồn tại của hệ thống logistics ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản.
Tỷ lệ hao hụt và thất thoát trong chuỗi nông sản cao từ 25-30%, trong đó thủy hải sản 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45%. Chi phí logistics chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, chiếm 23% giá thành đồ gỗ, chiếm 29% giá thành rau quả, chiếm 30% giá thành gạo. Chi phí logistics nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và cao hơn Singapore 300%. Trên tổng thể, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng hơn 20% GDP; trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới, chỉ khoảng 11% GDP.
Cũng theo TS. Nguyễn Anh Phong, ở các cửa khẩu, cảng lớn, bãi tập kết hàng hóa nông sản không đảm bảo, thiếu hệ thống kho lạnh, dịch vụ kiểm dịch, công tác điều phối còn bất cập, xảy ra tình trạng ùn tắc. Ở trong nước, một số vùng sản xuất tập trung, các đầu mối giao thương đang còn thiếu các trung tâm logistics giúp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Cần thúc đẩy logistics xuyên biên giới phát triển
Ông Lê Minh cho rằng, để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản thì giữa khâu tổ chức sản xuất và logistics phải hợp tác chặt chẽ để “đôi bên cùng có lợi”.
Còn theo ông Tô Mạnh Hà, để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu, đầu tư logistics trong nông nghiệp nên tập trung vào những ngành hàng thế mạnh, giá trị xuất khẩu ít nhất từ 1 tỉ USD trở lên.
Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, bà Đinh Thị Bảo Linh – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) – cho rằng, Việt Nam nên tham khảo cách làm của Đài Loan (Trung Quốc). Từ năm 2021, Đài Loan bắt đầu thúc đẩy và tăng nguồn lực đầu tư phát triển các chuỗi lạnh cho sản phẩm nông nghiệp, đến nay đã thiết lập được các trung tâm logistics hàng đầu trong ngành trồng trọt, ngư nghiệp, chăn nuôi. Cũng theo bà Linh, Chính phủ nên xem xét phát triển các mô hình PPP để đẩy nhanh đầu tư cho cơ sở hạ tầng để sớm giải quyết được những thách thức logistics trong nông nghiệp hiện nay.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Đình Long – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mega A – chia sẻ, logistics xuyên biên giới sẽ xử lý tất cả các khâu liên quan tại một điểm và điều này vô cùng quan trọng, nhất là đối với nông sản, thực phẩm đòi hỏi thời gian nhanh nhất nhằm bảo đảm chất lượng và độ tươi ngon. Logistics xuyên biên giới sẽ tạo ra dịch vụ vận chuyển một cách tối ưu nhất về mặt chi phí, thời gian và chất lượng của hàng hóa. Thực hiện logistics xuyên biên giới, tổng chi phí dịch vụ sẽ giảm từ 5-8%. Ngoài ra, logistics sẽ thông qua liên kết hệ thống cảng để đưa nông sản vào sâu trong thị trường nhập khẩu và có thể tiếp cận với những phân khúc khách hàng cao hơn.
“Một trạm hay một điểm dừng, hàng hóa có thể từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu một cách nhanh chóng nhất mà không phải thông qua nhiều khâu kiểm tra. Khi đó, hàng hóa sẽ được kiểm tra kỹ ngay từ điểm đầu (nước xuất khẩu), rồi đi thẳng đến trạm dừng (điểm cuối)”, ông Đặng Đình Long nói.
Theo ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), các thị trường liên tục có sự thay đổi về quy định sản phẩm, thủ tục kiểm tra hàng hóa…
Như vậy, khi triển khai logistic xuyên biên giới, việc cập nhật thông tin, quy định từ các thị trường không chỉ cần thiết với các nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng mà ngay cả với các doanh nghiệp logistic.
Nắm bắt được thông tin sớm, các đơn vị liên kết, hợp tác phối hợp nhịp nhàng trong việc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu, để sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu cũng như đảm bảo việc thông quan hàng hóa nhanh nhất.
Để logistics là động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030.”
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đề xuất thực hiện 3 dự án: Thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản đường bộ xuyên biên giới kết nối thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc; thiết lập chuỗi hạ tầng logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu tích hợp thương mại điện tử và vận tải đa phương thức; thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản đường hàng không kết nối thị trường ASEAN, Trung Quốc; trong đó chú trọng ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đề án sẽ giải quyết các điểm nghẽn hiện nay, góp phần khơi thông luồng xuất khẩu nông lâm thủy sản.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN